1. Gia đình văn hóa là gì?
Được đề ra bởi Chính phủ đã nhiều năm, Gia đình văn hóa được xem như một chỉ tiêu đề ra tại chính các tổ dân cư, phường, xã để thúc đẩy việc hình thành lối sống văn minh, đạo đức ngay tại cấp địa phương nhỏ lẻ và cao hơn nữa là hình thành các thôn văn hóa, tổ dân phố văn hóa,….Với những gia đình đạt các chỉ tiêu được đưa ra để xem xét thì sẽ được chứng nhận là gia đình văn hóa và có “Giấy chứng nhận Gia đình văn hóa” tặng khen trao về từng nhà.
2. Xây dựng gia đình văn hóa là gì?
Xây dựng gia đình văn hóa từ lâu đã là một phong trào thi đua không chỉ giữa các gia đình mà còn trong các huyện, thị xã, thành phố với nhau. Để xây dựng gia đình văn hóa thì mỗi cá nhân trong một gia đình phải sống lành mạnh, tránh xa các tệ nạn xã hội, bài trừ những hiện tượng xấu, ảnh hưởng tiêu cực đến cộng đồng. Đặc biệt mỗi người cần thực hiện các nếp sống văn minh, thực hiện tốt nghĩa vụ, trách nhiệm của mình với gia đình và xã hội, làm những việc trong khả năng của mình để giúp ích cho gia đình, cộng đồng xung quanh.
Xây dựng gia đình văn hóa không phải là việc chạy theo những lối sống mới, tân thời và bỏ quên những giá trị cũ. Xây dựng gia đình văn hóa cũng là việc phát huy tốt những giá trị đạo đức của gia đình truyền thống từ bao năm nay, đi đôi với việc tiếp thu có nhận thức những phong trào, những xu hướng mới có chất lượng và có ảnh hưởng tích cực đến cộng đồng xã hội.
3. Tiêu chuẩn Gia đình văn hóa
Gia đình văn hóa là một danh hiệu nhiều gia đình luôn thi đua và mong muốn hướng đến. Tiêu chuẩn của gia đình văn hóa được quy định cụ thể tại Điều 4, Thông tư 12/2011/TT-BVHTTDL ngày 10/10/2011 của Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch quy định, gồm có những tiêu chí sau:
3.1. Gương mẫu chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia các phong trào thi đua của địa phương:
a) Thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ công dân; không vi phạm pháp luật Nhà nước, quy định của địa phương và quy ước, hương ước cộng đồng;
b) Giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; vệ sinh môi trường; nếp sống văn hóa nơi công cộng; bảo vệ di tích lịch sử văn hóa, cảnh quan của địa phương; tích cực tham gia các hoạt động xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư;
c) Không vi phạm các quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; không sử dụng và lưu hành văn hóa phẩm độc hại; không mắc các tệ nạn xã hội; tham gia tích cực bài trừ tệ nạn xã hội và phòng chống các loại tội phạm;
d) Tham gia thực hiện đầy đủ các phong trào thi đua; các sinh hoạt, hội họp ở cộng đồng.
3.2. Gia đình hòa thuận, hạnh phúc, tiến bộ, tương trợ giúp đỡ mọi người trong cộng đồng:
a) Vợ chồng bình đẳng, thương yêu giúp đỡ nhau tiến bộ. Không có bạo lực gia đình dưới mọi hình thức; thực hiện bình đẳng giới; vợ chồng thực hiện sinh con đúng quy định, cùng có trách nhiệm nuôi con khỏe, dạy con ngoan;
b) Gia đình nề nếp; ông bà, cha mẹ gương mẫu; con cháu thảo hiền; giữ gìn các giá trị văn hóa gia đình truyền thống, tiếp thu có chọn lọc các giá trị văn hóa mới về gia đình;
c) Giữ gìn vệ sinh phòng bệnh; nhà ở ngăn nắp; khuôn viên xanh-sạch-đẹp; sử dụng nước sạch, nhà tắm và hố xí hợp vệ sinh; các thành viên trong gia đình có nếp sống lành mạnh, thường xuyên luyện tập thể dục thể thao;
d) Tích cực tham gia chương trình xóa đói, giảm nghèo; đoàn kết tương trợ xóm giềng, giúp đỡ đồng bào hoạn nạn; hưởng ứng phong trào đền ơn đáp nghĩa, cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” và các hoạt động nhân đạo khác ở cộng đồng.
3.3. Tổ chức lao động, sản xuất, kinh doanh, công tác, học tập đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả:
a) Trẻ em trong độ tuổi đi học đều được đến trường, chăm ngoan, hiếu học; người lớn trong độ tuổi lao động có việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao;
b) Có kế hoạch phát triển kinh tế gia đình, chủ động “Xóa đói giảm nghèo”, năng động làm giàu chính đáng;
c) Kinh tế gia đình ổn định, thực hành tiết kiệm; đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của các thành viên trong gia đình ngày càng nâng cao.
4. Ý nghĩa của Gia đình văn hóa
Có thể nói gia đình hạt nhân là những tế bào nhỏ bé để hình thành nên một xã hội, một cộng đồng lớn. Gia đình có vai trò quan trọng và quyết định trực tiếp đến việc xây dựng và ảnh hưởng không nhỏ đến từng cá nhân. Gia đình là nơi nuôi dưỡng và giáo dục mỗi con người sống có ý thức, có đạo đức và có cống hiến cho xã hội.
Gia đình văn hóa được đề ra để mỗi thành viên trong gia đình có sự cố gắng, nỗ lực trong mọi hoạt động, thay đổi trong tư duy và nhận thức để sống tốt hơn và có ích hơn. Từ đó xã hội mới ổn định và phát triển được.
Xã hội nào cũng được tạo nên từ tập hợp nhiều gia đình mà trong đó là các cá nhân. Xây dựng gia đình văn hóa với nếp sống lành mạnh sẽ tạo ra những con người chuẩn mực, tạo ra một xã hội tốt đẹp hơn. Ngoài ra xây dựng gia đình văn hóa cũng là việc làm giúp phát triển truyền thống tốt đẹp của gia đình, gìn giữ bản sắc của các làng xóm.
Gia đình văn hóa đã trở nên quen thuộc với mỗi cá nhân hiện nay. Tuy nhiên hi vọng thông qua bài viết này các bạn sẽ có thêm nhiều hơn nữa những hiểu biết gia đình văn hóa là gì, hiểu rõ hơn các tiêu chí để phấn đấu thúc đẩy sự phát triển của xã hội.
Hồng Hiệp